Tìm kiếm

Cách trộn đất (giá thể) trồng hoa hồng

Giá thể trồng hoa hồng cần đảm bảo những yếu tố sau:

  • 1. Đảm bảo dinh dưỡng: Khi mới trồng hoặc sang chậu cho hoa hồng, giá thể nên đảm bảo dinh dưỡng cho cây trong thời gian đầu, hoặc cung cấp được một phần dinh dưỡng cho cây.
    2. Giữ được độ ẩm cần thiết: Hoa hồng rất ưa ẩm, chính vì thế giá thể trồng hoa hồng phải giữ được ẩm liên tục trong một khoảng thời gian, nếu quá nhanh khô cây sẽ không được khỏe, nhiều chồi và mầm non trổ ra chưa được dài đã đóng nụ và ra hoa, hoa vì thế cũng sẽ không được to và rất chóng tàn nếu không giữ được ẩm.
    3. Tơi xốp và thoáng khí: Có một điều đặc biệt là mặc dù hồng rất ưa ẩm, nhưng lại không ưa xĩnh nước, nếu đất trồng hoa hồng hoặc giá thể trong chậu bị đọng nước trong thời gian dài rễ cây có thể bị ngạt thở và thỗi rễ. Mà rễ khỏe chính là điều kiện tiên quyết để cây hồng của bạn luôn khỏe mạnh. Chính vì vậy mà giá thể trồng hoa hồng cần đảm bảo độ tơi xốp, thông thoáng và thoát nước tốt. Ngoài ra giá thể trồng trong chậu cũng đảm bảo thông thoáng để hệ vi sinh vật có lợi phát triển. Chúng ta đều biết là hệ vi sinh có lợi có vai trò vô cùng quan trọng, ngày nay việc ứng dụng và phát triển vai trò của các vi sinh vật có lợi cho cây trồng ngày càng được ứng dụng rộng rãi, đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp sạch và nông nghiệp bền vững, Pansy sẽ chia sẻ vấn đề này qua mục bón phân cho hoa hồng nhé.
    4. Sạch các loại nấm và mầm bệnh: Thời gian đầu cây chưa khỏe, nên rất dễ bị nhiễm bệnh, nếu giá thể chứa các mầm bệnh, các loại nấm thì cây rất dễ bị bệnh. Nên là quy trình trộn giá thể trồng hoa hồng cũng cần phải đảm bảo trừ sạch các loại nấm bệnh.

Chuẩn bị nguyên liệu trộn giá thể trồng hoa hồng:

  • 1. Đất phù sa màu mỡ
    Để trộn được giá thể bắt buộc phải chuẩn bị những nguyên liệu dưới đây:
    Loại đất để trộn giá thể phải tơi xốp màu mỡ và giàu chất dinh dưỡng. Có như vậy thì mới phù hợp để làm đất trồng hoa hồng. Ngoài ra, đất này còn cần được phay nhỏ kỹ và phơi nắng cho khô để loại bỏ hết những vi khuẩn, cũng như mầm bệnh.


    2. Xỉ than đập
    Đây cũng là một trong những nguyên liệu bạn cần chuẩn bị để làm giá thể trồng hoa hồng. Thành phần xỉ sẽ giúp tạo độ tơi xốp, thông thoáng, làm thoát nước rất tốt.
    Bạn có thể gom than tổ ong tại các gia đình, quán ăn, những nơi thường xuyên đun nấu. Than xỉ phải vừa xốp lại mềm, bạn không nên lấy những loại than xỉ than cháy dùng để đút lò, đây là loại rắn khi sử dụng sẽ không mang lại hiệu quả gì.

    3. Trấu hun
    Đây cũng là một trong những nguyên liệu mà bạn cần phải chuẩn bị khi làm giá thể. Tuy nhiên để đảm bảo sạch sẽ cũng như hạn chế những mầm bệnh xảy ra thì bạn nên sử dụng loại chấu hun, không dùng chấu tưới.
    Trấu trong quá trình hun thì phải đảo kỹ, nhiệt độ cao sẽ giúp làm chết hết các loại khuẩn gây bệnh, để đảm bảo khi trộn trong chậu.


    4. Xơ dừa
    Đây là một nguyên liệu khi làm giá thể trồng hoa hồng có tác dụng giữ ẩm tốt cho cây. Xơ dừa có sẵn nên giá thành rẻ. Tuy nhiên bạn cần phải lưu ý nên sử dụng loại xơ dừa đó là nó chát nên có thể sẽ hạn chế sự phát triển của bộ rễ hoa hồng.
    Chính vì vậy trước khi mang đi trộn nên ngâm ở dưới ao khoảng nửa tháng sau đó mới vớt lên chất thành đống rồi ngày nào cũng tưới nước lên một lần.


    5. Phân chuồng ủ hoai mục: Thành phần dinh dưỡng hữu cơ. Đảm bảo độ bền cho sự phát triển của cây. Cái này thì tùy điều kiện và vùng miền nhưng mình thường sử dụng phân gà ủ hoặc phân bò đã qua xử lý. Phân gà thì không thể dùng luôn được mà phải qua xử lý cẩn thận, quy trình ủ phân gà cho hoa hồng mình sẽ chia sẻ ở một bài riêng. Cá nhân mình tháng nào cũng phải trộn vài chục khối giá thể, qua 3 năm sử dụng rất nhiều loại phân hữu cơ thì kinh nghiệm của mình cho thấy mùa hè ở miền Bắc sử dụng phân bò hiệu quả nhất, cây đẹp và rất bền cây, chắc cây, đặc biệt sử dụng phân bò cây không bị vàng lá. Nhưng sang mùa đông thì phân gà lại cho thấy hiệu quả trội hơn, cây xanh hơn, dày dăm dày tược hơn sử dụng phân bò. Kết quả này cũng phù hợp với những gì mình nghiên cứu, mùa hè mưa nhiều, nhiệt độ trung bình lại rất nóng, nên việc sử dụng phân bò hiệu quả hơn, còn mùa đông nhiệt độ phù hợp với việc trồng hồng, lượng mưa trung bình rất thấp, khô hanh nên phân gà lại cho thấy ưu thế vượt trội do thành phần dinh dưỡng cao hơn hẳn nếu biết quy trình ủ.
    Phân bò sau khi xử lý và ủ Phân gà sau khi ủ và xử lý 

    6. Phân trung vi lượng: Hoa hồng thường sai hoa, độ lặp hoa nhanh, đa sắc, nên rất cần bón các loại phân chứa các thành phần trung và vi lượng. Nên có thể trộn luôn vào giá thể một lượng vừa phải phân bón dễ hấp thụ có chứa các thành phần trung và vi lượng để đảm bảo sự phát triển cân đối cho hoa hồng. Ở đây mình đề xuất phân HVP 301B, ngoài tỉ lệ N:P:K là 3:3:2 còn có Ca, Fe, Cu, Zn, Mg, Mn, Bo,… tương đối đầy đủ các thành phần trung và vi lượng cần thiết cho hoa hồng, mọi người có thể sử dụng loại khác để thay thế.
    Phân hữu cơ có nhiều thành phần trung và vi lượng cần thiết cho cây 

    7. Lân Super Lào Cai: Thành phần bón lót giúp bộ rễ phát triển khỏe mạnh trong thời gian đầu. Mình đề xuất sử dùng lân Super Lào Cai vì đây là dạng bột, phù hợp cho việc trộn giá thể hơn.
    Đây là loại lân dạng bột, phù hợp với trộn giá thể hơn dạng viên 

    8. Trichoderma: thành phần nấm đối kháng và các các chất hữu cơ, vi sinh vật có lợi.

Quy trình trộn giá thể trồng hoa hồng:

Ở đây sau khi đã chuẩn bị được đầy đủ các nguyên liệu  trên, mọi người bắt đầu tiến hành trộn, quan trọng là mọi người trộn theo tỉ lệ nào: Ở đây mình hướng dẫn một tỉ lệ chung  chung có thể áp dụng tất cả các mùa, tuy nhiên cần tùy biến khi vào các mùa khác nhau, hoặc ở các vùng miền khác nhau.

Tỉ lệ giữa đất : trấu : xỉ than : sơ dừa : phân hữu cơ là 2 : 1 : 1 : 1 : 2
Bước 1: Trải đều đất phù sa ra mặt nền
Bước 2: Rải đều một lớp xỉ than tương ứng với đất theo tỉ lệ trên
Bước 3: Rải đều một lớp trấu hun lên bề mặt tiếp theo theo tỉ lệ trên
Bước 4: Rải đều một lớp sơ dừa lên bề mặt hỗ hợp trên theo tỉ lệ trên
Bước 5: Rải đều một lớp phân chuồng ủ hoai mục như tỉ lệ
Bước 6: Rải một lớp HVP 301B theo tỉ lệ một khối hỗn hợp trên thì cho 2kg HVP 301B
Bước 7: Rải một lớp lân Super Lào Cai theo tỉ lệ một khối giá thể thì cho 5kg Lân
Bước 8: Rắc đều nấm khối kháng Trichoderma theo tỉ lệ 2 gói 1kg cho 1 khối giá thể trên.
-       Tiến hành trộn đều hỗn hợp trên.
-       Yêu cầu kỹ thuật làm giá thể trồng hoa hồng là khi ta nắm chặt giá thể trong tay thì đóng cục, mở tay ra rồi lại nắm nhẹ thì giá thể lại tung ra là được
Trên đây là quy trình kỹ thuật trộn giá thể trồng hoa hồng, các bạn cần linh hoạt áp dụng tùy theo điều kiện cây và chậu, điều kiện vật tư, điều kiện khí hậu của từng vùng miền cho phù hợp nhé.
  • Nguồn sưu tầm
  • Tham gia nhóm để nhận hướng dẫn cách chăm sóc hoa hồng)

Tags: điều kiệnứng dụng

Phổ biến trong tuần

Chăm Sóc Hoa Hồng